Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013
Sách đã có từ rất lâu và trở thành một phần không thể thiếu đối với nền văn minh của nhân loại. Vậy lịch sử hình thành sách đã diễn ra như thế nào?
Sách là một tập gồm nhiều tờ giấy được đóng lại với nhau, có chứa văn bản, minh họa, bản nhạc, ảnh hoặc các dạng thông tin khác. Một cuốn sách vừa đủ nhỏ gọn để đem theo nhưng nó lớn hơn một cuốn sách mỏng (pamphlet), thường chỉ có một vài trang giấy. Các cuốn sách có thể là một phần trong một tùng thư nhưng chúng khác báo và tạp chí ở chỗ chúng không được xuất bản định kỳ hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng. Không giống như nhật ký cá nhân, có thể ở dạng thức một cuốn sách, sách thường nhằm mục đích luân chuyển rộng rãi trong công chúng.
Thuật ngữ “sách” (book) được dùng nhằm mở rộng thuật ngữ “các cuộn giấy” (scrolls) dùng trong thời kỳ cổ đại, mặc dù chúng không thật giống với hình thức một cuốn sách ngày nay. Theo nghĩa thuộc lĩnh vực biên tập, từ “sách” còn được dùng để chỉ một số tác phẩm văn học cổ đại (như “Sách về người chết” của người Ai Cập) hoặc các bộ phận chính của một tác phẩm văn chương (như các sách về kinh thánh).
Nửa cuối thế kỷ XX, các tiến bộ về công nghệ đã mở rộng định nghĩa về sách, bao hàm trong đó cả sách âm thanh (audiobook), sách điện tử (electronic book hay e-book). Sách âm thanh là các bản ghi âm được lưu trên băng cassette, đĩa quang hoặc các chương trình máy tính có thể tải xuống được. Sách điện tử là các thiết bị máy tính hoá có thể mang theo được, cho phép người đọc có thể tải văn bản xuống, đọc hoặc đánh dấu văn bản đó. Thuật ngữ sách điện tử (e-book) còn được sử dụng để chỉ khái niệm sách phi giấy (paperless book) bất kể chúng được đọc bằng một thiết bị e-book chuyên dụng, máy hỗ trợ kỹ thuật số cá nhân PDA (2), một máy tính văn phòng hay máy tính xách tay.
Hình thức đầu tiên của sách là các tấm đất sét được khắc chữ bằng một dụng cụ viết gọi là bút trâm, được người Sumer, người Babylon và người vùng Lưỡng Hà cổ xưa sử dụng. Hình thức gần gũi hơn với sách ngày nay đó là các cuộn sách (book roll) hay các cuộn giấy (scroll) của người Ai Cập, Hy Lạp và La Mã cổ đại.
Sách chép tay ban đầu (The early codex)
Thế kỷ XIX cũng đánh dấu đỉnh cao của một quy trình dần dần, được bắt đầu từ thế kỷ thứ I, trong đó, các cuộn giấy không mấy tiện dụng đã được thay thế bằng các sách chép tay có hình chữ nhật (codex là thuật ngữ Latin dùng để chỉ sách), tổ tiên trực tiếp của sách hiện nay.
Sách viết tay ở Châu Âu thời kỳ Trung cổ
Vào đầu thời kỳ Trung cổ (khoảng thế kỷ thứ V đến thế kỷ XV), ở châu Âu, sách vẫn chủ yếu do các giáo sĩ viết nhằm dành cho đối tượng là các giáo sĩ khác và cho tầng lớp vua chúa. Phần lớn đó là các đoạn kinh thánh, sách dẫn giải, sách về nghi thức tế lễ, mặc dù cũng có một số bản sao các tác phẩm kinh điển. Các cuốn sách được những người chép thuê viết ra một cách cần mẫn bằng bút lông ngỗng. Họ làm việc trong “scriptoria” (thuật ngữ Latin chỉ “phòng viết sách”) của các tu viện.
Ban đầu, những người chép thuê chỉ sử dụng các lối viết chữ hoa địa phương, một thói quen chịu ảnh hưởng từ các cuộn sách cổ điển. Sau cuộc chấn hưng trong lĩnh vực học tập do hoàng đế triều đại Frank (nước Pháp ngày nay) Charlemagne khởi xướng vào thế kỷ thứ VIII, những người chép thuê đã chuyển sang sử dụng cả chữ hoa và chữ thường, viết theo lối chữ tròn và rõ kiểu triều đại Frank (Carolingian) - lối chữ theo kiểu cổ điển và chính lối chữ này đã tạo nguồn cảm hứng cho những người thợ in thời kỳ Phục hưng (từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII). Tuy vậy, từ sau thế kỷ XII, chữ trong sách trở nên xấu hơn với kiểu chữ màu đen, hẹp, đơn điệu và góc cạnh được viết sít nhau trong những cột chữ hẹp rất khó đọc.
Sách thời Trung cổ có bìa làm bằng gỗ, thường được gia cố thêm bởi một vấu lồi bằng kim loại và được gắn vào các móc. Nhiều bìa sách được đóng bằng da, đôi khi được dát vàng, bạc, men sứ hoặc đá quý. Những cuốn sách đẹp đẽ này thực sự là những tác phẩm nghệ thuật, được những người chép thuê chuyên nghiệp, các hoạ sĩ và những nhà kim hoàn tạo ra vào cuối thời Trung cổ. Sách rất hiếm và quý giá; chúng được đặt mua bởi một tỷ lệ rất nhỏ những người trong xã hội có tiền và biết đọc
Sách in
Vào thế kỷ thứ VI, việc in bằng ván khắc gỗ đã được phát minh ở Trung Quốc. Cuốn sách đầu tiên được biết đến in theo cách này là bản tiếng Trung Quốc của cuốn Kinh Phật mang tên Kinh Kim Cương, có từ năm 868. Tipitaka, một bộ kinh khác của đạo Phật, có tới 130.000 trang, được in từ khoảng năm 972 đến năm 983. Việc in bằng ván in có thể dùng lại được là phương thức mang lại năng suất cao hơn nhiều so với việc sao chép các tác phẩm bằng tay. Tuy nhiên, phải mất rất nhiều thời gian mới có thể tạo ra được một tấm ván in và ván in đó cũng chỉ có thể sử dụng để in một tác phẩm mà thôi. Vào thế kỷ XI, người Trung Quốc đã phát minh ra cách in chữ rời. Chữ in có thể sắp xếp theo các trật tự khác nhau để in nhiều tác phẩm khác nhau. Tuy nhiên, họ không sử dụng cách in này nhiều bởi nhiều ký tự trong chữ Trung Quốc không thể in theo kiểu sắp chữ rời được.
Vào thế kỷ XV, hai tiến bộ kỹ thuật mới đã tạo ra một cuộc cách mạng trong việc sản xuất sách ở châu Âu. Thứ nhất là giấy mà người châu Âu đã học được từ các quốc gia đạo Hồi (vốn dĩ các quốc gia này đã học được cách làm giấy từ Trung Quốc). Thứ hai là việc in bằng các chữ rời kim loại mà người châu Âu đã tự phát minh ra. Mặc dù, có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề ai là người phát minh ra cách in chữ rời, có ý kiến cho rằng đó là của các nhà phát minh người Pháp, người Italia và người Hà Lan, nhưng người ta thường công nhận phát minh này là của người thợ in nước Đức Johannes Gutenberg. Cuốn sách đầu tiên được in theo lối in chữ rời là cuốn Kinh thánh Gutenberg, được hoàn thành vào khoảng năm 1450 – 1456. Những phát minh này đã đơn giản hoá quá trình sản xuất sách và giảm bớt chi phí. Cùng lúc đó, trình độ hiểu biết của công chúng đã được nâng cao đáng kể, một phần do kết quả của sự uyên bác và những khám phá trong thời kỳ Phục Hưng, một phần là do ảnh hưởng từ nguyên lý cải cách đạo Tin lành cho rằng mọi tín đồ đều được phép đọc kinh thánh. Chính vì vậy, vào thế kỷ XVI, không những số lượng tác phẩm mà cả số lượng các ấn bản của chúng đều tăng hết sức nhanh chóng, bên cạnh đó, cũng kích thích sự ham mê đối với sách của công chúng.
Những người thợ in người Ý, vào thời kỳ Phục Hưng thế kỷ XVI, đã hình thành nên những truyền thống vẫn tiếp tục tồn tại trong việc xuất bản sách kể từ thời kỳ đó. Đó là truyền thống sử dụng bìa sách làm bằng vật liệu giấy bồi nhẹ, thường được bọc da, lối maket theo đúng thể thức và dùng kiểu chữ Roman và chữ nghiêng. Các bản khắc gỗ và bản in khắc được sử dụng cho việc in các minh hoạ. Một truyền thống khác là việc lựa chọn khổ sách: khổ folio (khổ hai), khổ quarto (khổ bốn), khổ duodecimo (khổ tám), 16 mo, 24 mo và 32 mo. Những cách lựa chọn này biểu thị số lượng tờ giấy (mà mỗi mặt được tính là một trang) được hình thành sau khi gấp một tờ giấy sách lớn. Theo đó, một tờ giấy được gấp một lần sẽ tạo thành hai tờ (4 trang), và một cuốn sách được làm từ những tờ giấy gấp theo cách này được gọi là folio (sách khổ hai). Một tờ giấy được gấp hai lần sẽ tạo thành bốn tờ (8 trang), và cuốn sách được làm từ những tờ giấy gấp theo cách này được gọi là quarto (sách khổ bốn). Các nhà xuất bản ở châu Âu hiện nay vẫn còn sử dụng những thuật ngữ này.
Sách thời kỳ Phục Hưng cũng hình thành nên thông lệ có trang nhan đề, lời nói đầu hoặc lời giới thiệu. Dần dần, người ta thêm vào các phần như: mục lục, danh sách các minh hoạ, chú thích, thư mục và bảng tra.
Kể từ sau cuộc cách mạng công nghiệp, việc xuất bản sách được cơ khí hoá cao. Việc sản xuất giấy, đưa vào các loại bìa giấy và bìa vải, các máy in trục lăn tốc độ cao, kiểu in sắp chữ đúc cơ khí, sắp chữ bản in chụp, sao chụp lại cả phần văn bản và minh hoạ đã cho phép ngành xuất bản của thế kỷ XX cho ra đời một khối lượng sách khổng lồ với giá thành tương đối thấp. Chủ đề của các cuốn sách thật sự đã trở nên phổ biến.
Ebook
Với những thay đổi của công nghệ, vào thế kỷ XX, các thiết bị công nghệ như radio, máy vô tuyến truyền hình, phim điện ảnh, băng ghi âm, máy tính điện tử và các thiết bị CD-ROM đã trở thành những phương tiện truyền thông và thách thức sự tồn tại của sách. Mặc dù vậy, nhờ đặc điểm dễ dàng sử dụng và mang theo, sách vẫn là phương tiện chủ yếu để truyền bá tri thức, nhằm mục đích cung cấp kiến thức và giải trí về các kỹ năng và nghệ thuật, lưu giữ các kinh nghiệm, cả trong thực tế và hư cấu. Tuy nhiên, công nghệ đã có tác động đến ngành công nghiệp sách, bởi vì con người đã tìm ra các phương thức mới để tiếp nhận và phổ biến thông tin mà không cần sử dụng vật liệu giấy.
Sách âm thanh (audiobook) được đưa ra thị trường lần đầu tiên vào những năm 1950. Đến những năm 1990, nó đã trở nên hết sức phổ biến và trở thành một bộ phận quan trọng trong ngành công nghiệp xuất bản. Sách nghe là tiếng một người đọc một cuốn sách được ghi lại. Mọi người có thể nghe chúng thông qua băng cassette, đĩa CD hoặc thông qua các chương trình tải về từ Internet. Sách nghe trở nên phổ biến một phần do chúng cho phép con người thưởng thức các cuốn sách vào thời điểm mà họ không thể đọc được, như khi đang lái xe chẳng hạn. Hơn nữa, những người mù hoặc người có thị lực kém có thể sử dụng sách nghe bên cạnh việc đọc sách chữ nổi.
Cuối những năm 1990, một số công ty đã giới thiệu loại sách điện tử, còn gọi là e-book. Các thiết bị tin học này hiển thị văn bản của sách trên một màn hình nhỏ được thiết kế để có thể đọc một cách dễ dàng. Sách điện tử được thiết kế đặc biệt, với trọng lượng nhẹ, cho phép dễ dàng mang theo. Nhiều loại sách điện tử còn có thêm một chiếc bút công nghệ cao để người đọc có thể đánh dấu hoặc ghi chép lên văn bản. Những người kinh doanh sách và các nhà xuất bản bán sách điện tử qua mạng Internet dưới dạng các tệp máy tính. Người đọc đặt mua, sau đó tải văn bản xuống máy tính cá nhân hoặc tải trực tiếp vào một thiết bị sách điện tử. Sách điện tử có thể chứa được khối lượng thông tin tương đương với mười cuốn sách giấy thông thường hoặc nhiều hơn thế. Ngoài ra, sách điện tử cũng có một số ưu điểm chủ yếu của sách giấy như dễ mang theo và cho phép đánh dấu trên sách. Nhiều người tin rằng khi sách điện tử được phát triển hơn nữa vào đầu thế kỷ XXI, chúng sẽ thách thức sự tồn tại của sách giấy theo cách mà công nghệ của thế kỷ XX không làm được.
Nhãn:
tu-sach
|
0
nhận xét
Để phù hợp với nhu cầu của những người chỉ có thể dành một khoảng thời gian ngắn trong ngày để đọc sách, thư viện kiểu cổ điển quả là khó đáp ứng. Ngày nay, nơi đọc sách không chỉ ở thư viện, ở nhà, ... mà còn được phổ biến một hình thức mới đó là cafe sách!
Ngay cả Thư viện Khoa học Tổng hợp TP cũng không thể xem là nơi đọc sách thực sự hấp dẫn mọi người. Có một không gian khép kín, thư viện này thật tuyệt vời với những ai muốn tìm kiếm sự tĩnh lặng để tập trung hoàn toàn vào công việc nào đó, như nghiên cứu hay học tập… Thế nhưng, để phù hợp với nhu cầu của những người chỉ có thể dành một khoảng thời gian ngắn trong ngày để đọc sách, thư viện kiểu cổ điển quả là khó đáp ứng.
Những thư viện lớn khác, như Thư viện Khoa học Xã hội chủ yếu dành cho người nghiên cứu, các thư viện quận - huyện do hạn chế về cơ sở vật chất hạ tầng nên chỉ còn thu hút thiếu nhi hoặc một số người hưu trí đến xem truyện tranh hay đọc báo
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgxnCe2xxifZJEN8EbV-NopkX6EzYFBpay12SBsui97Yx_o9YF11If7qxUgVNxi-r4EX1I7dhh23ZwsN1NlDwMdhOXnjlDcgzga2uoIiZ4cuyho5OfQdhbNF-WEPcTs79loMrKJ2FRQUv0i/s400/cafe-sach-cho-nguoi-thich-doc-sach.jpg)
Ở các quán cafe, ban đầu vốn ồn ào, chật chội, xô bồ, hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu một nơi đọc sách. Thế nhưng, đến nay các quán cafe cũng có sự thay đổi phù hợp với những đối tượng có nhu cầu đọc sách. Đó là, bên cạnh những quán cafe vỉa hè, cafe gia đình, bắt đầu xuất hiện cả những quán cafe hiện đại với sự bài trí tạo được sự thoải mái, thư giãn cho khách, các trang thiết bị hỗ trợ hiện đại dần xuất hiện như truyền hình cáp, mạng internet… Người ta tới quán không chỉ giải khát mà còn để bàn bạc công việc, rồi sau đó là nơi làm việc, và thời gian gần đây bắt đầu còn là nơi thưởng thức sách. Văn hóa đọc bắt đầu xuất hiện khái niệm mới: Cafe sách!
Quán cafe sách chính thức đầu tiên tại TPHCM là CIAO trên đường Ngô Đức Kế (quận 1). Từ đó đến nay, toàn TP đã có gần 20 quán cafe sử dụng sách làm thương hiệu chính thức quán của mình. Về hình thức có thể chia làm hai loại, loại đầu lấy cafe là chính, sách chỉ phụ thêm như các quán Book Café, Café Sách Đom Đóm, Café Sách - Snownbell… Loại thứ hai ngược lại, lấy sách làm chính, cafe phụ thêm, nổi bật trong số các quán dạng này là chuỗi cafe sách của Nhà sách Phương Nam hay Cafe sách Hub (18A Cộng Hòa, quận Tân Bình).
Điểm đặc trưng khác biệt nhất giữa hai loại quán cafe sách kể trên nằm ở số lượng sách báo và hoạt động liên quan đến sách. Cụm quán cafe sách của Phương Nam, vốn là một phần trong hệ thống Nhà sách Phương Nam, nên luôn có lượng sách phong phú và đa dạng. Hub café tuy không phải là nhà sách, nhưng do chủ trương tập trung vào sách từ đầu, nên lượng sách ở quán này hiện có thể xem là nhiều nhất trong số các quán cafe sách với con số lên trên 10.000 đầu sách các loại. Ngoài ra, tại các địa điểm trên luôn tổ chức nhiều sự kiện liên quan đến sách như giao lưu tác giả, tọa đàm về tác phẩm, bình luận tác giả, tác phẩm mới…
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEj7zYYSI4qOLUYI-xqIAG8U9xRZFPxDuigsPLZabKkNc9GRdZTDoDqDm0MPvieMPiSiS31Jfufx0EEpNkm4XbU_fE3X0Ptzolr0kKZX6nw9lP6myvWJT_QbbMM1PfCTiv1XH2HgKKP63yXL/s400/cafe-sach-cho-nguoi-thich-doc-sach-1.jpg)
Tuy nhiên, dù chiếm ưu thế về sách, về cách tổ chức thiên hẳn về văn hóa đọc, các quán cafe sách chuyên về sách cũng không hoàn toàn chiếm ưu thế với bạn đọc so với các quán mà sách chỉ là phụ. Đây chính là đặc trưng của văn hóa cafe tại TP hiện nay, khách đến quán cafe không chỉ đơn thuần thưởng thức nước uống mà còn để giải quyết nhiều vấn đề khác như làm việc, giao lưu với bạn bè, đối tác, thư giãn… trong đó có đọc sách.
Như đã nói ở trên, ngoài đọc sách trong nhà, để tìm một nơi đọc sách công cộng giữa những giờ nghỉ khi đi làm tại TP đã không còn là chuyện dễ dàng, cafe sách trở thành một điểm đến lý tưởng. Bạn đọc không hẳn cần đến sách có sẵn vì phần lớn đều đem theo sách của mình, cái họ cần là một địa điểm thoải mái, yên tĩnh nhưng không quá tách biệt với bên ngoài, để khi cần có thể quay lại công việc một cách nhanh chóng nhất.
Ngoài ra hầu hết các quán cafe sách đều phục vụ mạng wifi khá tiện lợi, bạn chỉ cần trả một khoản tiền nhỏ để mua một tách café nhưng có thể ngồi hàng giờ để tìm đọc sách, lướt web, tranh thủ làm việc trong không gian yên tĩnh. Đó là lí do mà những quán café sách không chỉ thu hút học sinh- sinh viên, doanh nhân mà còn cả người nước ngoài nữa.
Nhãn:
tin-sach
|
3
nhận xét
Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013
Ham muốn đọc sách có thể là nhất thời, nếu muốn trẻ giữ được đam mê này, cha mẹ cần bồi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ. Phương pháp mà cha mẹ Do Thái thường dùng là đặt ra những kế hoạch khả thi, chẳng hạn
1. Vào mỗi buổi tối, không vì lí do đặc biệt nào, cả gia đình sẽ ngồi yên lặng đọc những cuốn sách mà mình yêu thích.
2. Đặt mua định kỳ hàng năm cho trẻ một số đầu báo hoặc tạp chí, đồng thời đôn đốc trẻ đọc chúng.
3. Mỗi tuần dành thời gian một ngày để cùng đọc báo với trẻ, sau đó cùng thảo luận sôi nổi về một chủ đề đôi bên cùng quan tâm.
4. Hàng tuần nhất định phải dành thời gian dẫn trẻ đến thư viện, bảo tàng, triển lãm… tham quan, giúp làm tăng kiến thức và nâng cao hứng thú đọc cho trẻ.
Ngoài ra, ba mẹ cần phải hỗ trợ cho bé bằng cách: tình nguyện làm "người đọc sách cho bé", khi nói hay làm 1 điều gì nên giải thích cho bé hiểu và "nói có sách, mách có chứng", ...
Tóm lại, bất kể là sử dụng biện pháp nào thì mục đích cuối cùng của cha mẹ Do Thái vẫn là khiến trẻ ham đọc sách, yêu tri thức, tôn sùng trí tuệ, làm cho con ham đọc sách là nhiệm vụ không thể trốn tránh của mỗi bậc cha mẹ Do Thái.
Nhãn:
tin-sach
|
0
nhận xét
Bình quân mỗi năm, một người Việt Nam chỉ đọc 0,8 quyển sách. Con số mà Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa ra nhân Ngày hội Sách và Văn hóa đọc 2013. Nhưng tại các nước Châu Âu, con số này còn lớn hơn nhiều. Dù chưa có một con số thống kê chính xác, đầy đủ nhưng rõ ràng với 0,8 cuốn sách mỗi năm, tỷ lệ đọc sách của người Việt Nam là quá thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Nguyên nhân chính nằm ở phía chủ quan của chúng ta, đó là ý thức đọc sách để tích lũy tri thức vẫn còn rất hạn chế. Thực tế cho thấy, ngay cả nhiều học sinh, sinh viên ngày nay, lứa tuổi thích khám phá, tìm tòi kiến thức, cũng rất lười đọc sách. Nhiều trường phổ thông hiện đã có hẳn một phòng thư viện, với hàng ngàn đầu sách các loại thế nhưng số học sinh đến thư viện ngày vẫn rất thưa vắng.
Thống kê gần đây cho biết, số lượng tiến sĩ, thạc sĩ của Việt Nam vào loại nhiều nhất khu vực Đông Nam Á, nhưng số lượng công trình khoa học, bài báo khoa học được đăng trên những tạp chí uy tín trên thế giới lại thấp nhất. Nhiều người Việt ta, trong đó có giới trí thức, khoa học mà lại sớm và tiếp tục “quay lưng”, thờ ơ với thư viện, với đọc sách thì làm sao khoa học, trí tuệ Việt Nam một ngày nào đó có thể sánh ngang bằng với thế giới được? Các nước trở thành cường quốc hàng đầu trên thế giới này đều có tỷ lệ người yêu sách, đọc sách rất cao.
Khơi niềm đam mê
Nguyên nhân lười đọc sách của giới trẻ đã được bàn nhiều và được “vạch mặt chỉ tên”: Văn hóa nghe nhìn phát triển mạnh (qua internet, truyền hình...), quá nhiều loại hình giải trí, sự xâm lấn của manga (truyện tranh Nhật Bản)... Các nhà chuyên môn đã nhận định, nguyên nhân trên là do sự thay đổi tất yếu của xã hội.
Nhà văn Vũ Đảm, người đầu tiên làm luận văn thạc sĩ “Về văn hóa đọc trong thanh niên, học sinh Hà Nội” cho biết, học sinh lạnh nhạt với sách văn học vì: Họ học, họ đọc những tác phẩm văn học không phải với sự đam mê, tìm kiếm cái hay cái đẹp trong đó mà chủ yếu học thuộc lòng, học theo đề cương để thi. Hơn nữa, chương trình học quá tải, áp lực phải thi đỗ đại học cũng khiến cho học sinh mệt nhoài, nên không còn thời gian và hứng thú để nghiền ngẫm cái hay trong văn chương. Cũng theo nhà văn, giới trẻ tìm đến sách báo giải trí nhiều hơn đọc sách, nhất là sách văn học, sách lịch sử. Nếu nói họ “mù” văn học thì nặng nề quá, nhưng sự thật, giới trẻ đã và đang vơi cạn sự ham mê văn chương.
Để khơi lại sự đam mê đọc sách trong giới trẻ, các nhà quản lí và nhà xuất bản đã tổ chức nhiều chương trình như: Ngày hội đọc sách, giảm giá sách. Vài năm gần đây, các quán cà phê sách nở rộ thu hút được sự quan tâm của bạn trẻ. Nhưng theo nhà văn Vũ Đảm, cần phải có những giải pháp đồng bộ : tạo ra nhiều sách hay, hấp dẫn phù hợp với giới trẻ; đổi mới chương trình, nội dung dạy và học văn học trong nhà trường để kích thích khả năng tư duy, sáng tạo cho học sinh; tổ chức những cuộc thi sáng tác văn học và bình phẩm văn học mà đối tượng tham gia là giới trẻ; phát triển hệ thống thư viện trường học; tạo niềm đam mê đọc sách cho thiếu nhi; cha mẹ phải là tấm gương, không những đọc sách để con mình noi theo mà còn phải biết mua sách có nội dung giáo dục, phù hợp với lứa tuổi các em.
Trường hợp các bạn trẻ lơ mơ các kiến thức căn bản về địa lí, văn hóa, xã hội... thậm chí là thờ ơ với lịch sử nước nhà chẳng phải là ít. Cuộc sống hiện đại đòi hỏi các bạn trẻ phải đáp ứng những nhu cầu cao hơn nên việc thiếu trang bị những kiến thức phổ thông sẽ dễ khiến bạn trở nên ngớ ngẩn, đôi khi còn là trò cười trong mắt người khác. Vì thế, hãy tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để có thể tự tin và vững vàng trong cuộc sống.
Nhãn:
tin-sach
|
0
nhận xét
Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013
Sách là một nguồn tri thức vô tận của nhân loại, là một thế giới đầy mê hoặc mà con người luôn khát khao khám phá.
Ngày nay, công nghệ ngày càng phát triển; mạng thông tin bao phủ toàn cầu, con người nhanh chóng chiếm lĩnh đỉnh cao công nghệ với các loại hình văn hóa nghe, nhìn khác nhau. Chính vì thế, vấn đề đọc sách hay nói rộng hơn là văn hóa đọc càng cần phải được quan tâm đúng mức.
Macxim Gorki rất có lý khi cho rằng “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới” - Ấy là chân trời của tri thức, của hiểu biết, của khát vọng và cao hơn là cả tầm văn hóa. Sách cung cấp những hiểu biết của người đi trước về thế giới xung quanh, những khám phá về vũ trụ, về trái đất, về mặt trời và vô vàn những điều kì thú khác.
Thật thú vị biết bao khi mở ra một cuốn sách ta nhận biết được phong tục, tập quán, nét văn hóa đặc sắc ở một xứ sở cách xa ta hàng vặn dặm. Trong mỗi trang sách còn có biết bao tâm tư, tình cảm, bao ý nghĩ, khát vọng của con người để xây dựng cuộc sống, xây dựng tương lai. Sách giúp chúng ta tự khám phá dân tộc mình, bản thân mình.
Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh đã từng viết “Người Việt Nam không chỉ hôm qua mà cả hôm nay nữa đã gửi vào văn chương cả kinh nghiệm sống, cả tình yêu và khát vọng, cả đạo đức, triết học và tín ngưỡng của mình. Cho nên, muốn biết cha ông ta đã sống như thế nào, đã nhắn gửi gì cho các thế hệ tương lai cũng như muốn biết con người Việt Nam trong thời đại ngày nay đang buồn vui, đau khổ, lo lắng và hi vọng ra sao thì rất cần đọc thơ văn Việt Nam”.
Chính vì vậy, cần có thái độ đúng với sách và việc đọc sách. Đọc sách mang lại lợi ích nên phải biết chọn sách mà đọc, biết học hỏi và làm theo những điều tốt đẹp trong sách. Việc đọc sách phù hợp với độ tuổi, trình độ, cấp học…là rất cần thiết…Không ít những trường hợp độc giả ít có sự chọn lọc khi mua sách, đọc sách dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Việc đọc quá nhiều tiểu thuyết kiếm hiệp; tiểu thuyết tình cảm quá ủy mị; hay đọc những cuốn sách không phù hợp độ tuổi – gây ra sự mất cân bằng tâm lý….
Với tốc độ sống gấp gáp và việc cuốn theo những thú vui của cuộc sống, dễ dàng hơn so với việc đọc một cuốn sách. Nhiều bạn lại cho rằng các bạn có đọc nhưng truyện tranh, tiểu thuyết tình cảm dễ cuốn hút so với việc cảm nhận một tác phẩm văn học hay một cuốn sách khoa học mang nặng tính phân tích tư duy có giá trị. Trong quá trình học tập và làm việc, chúng ta phải đọc sách và phải biết cách đọc để tiếp thu có hiệu quả những tri thức và kinh nghiệm của người đi trước.
Ngày nay, không phải là không có những bạn trẻ yêu sách, không thiếu các bạn trẻ đi tìm giá trị đích thực của những cuốn sách với niềm say mê thích thú và ham muốn được học hỏi từ những cuốn sách mà các bạn đã đọc. Mỗi cuốn sách như một kho tàng tri thức nó chứa đựng những tinh túy của cuộc sống nếu chúng ta biết cảm nhận nghiền ngẫm một cách sâu sắc sau khi đọc xong một cuốn sách.
Nhãn:
tin-sach
|
0
nhận xét
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)